Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

tin tổng hợp

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở các địa phương
Ngày đăng 17/10/2024 | 19:27  | Lượt xem: 345

Hệ thống trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để các trung tâm này hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thu Hằng

Hệ thống trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để các trung tâm này hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

gioi-thieu-san-pham-cong-ng.jpg

Giới thiệu sản phẩm công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Một trong những nhiệm vụ của các sở khoa học và công nghệ ở địa phương là giúp đỡ cho quá trình đưa các sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật lan tỏa vào đời sống. “Cánh tay nối dài” của các sở để thực hiện sứ mệnh quan trọng này là trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương cho biết, năm 2024, các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã chủ động tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ. Đáng chú ý, các trung tâm đưa gần 400 sản phẩm ra thị trường với tổng doanh thu 75 tỷ đồng/năm; thực hiện gần 300 hợp đồng dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ có giá trị hơn 10 tỷ đồng; làm chủ gần 150 quy trình công nghệ; thực hiện gần 300 nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Các kết quả trên đã đóng góp tích cực trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đồng thời khẳng định vai trò là cầu nối công nghệ, tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở vật chất như trang, thiết bị, máy móc lạc hậu, không đồng bộ, thiếu máy móc, thiết bị cần thiết thực hiện các nghiên cứu, phân tích, đánh giá chuyên sâu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học... còn là vấn đề cơ chế, chính sách trong việc thực hiện tự chủ tài chính và quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, các trung tâm cũng rất chật vật trong việc xây dựng hệ thống thông tin khoa học và công nghệ cho địa phương mình.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Đỗ Hoàng Tú, một trong những khó khăn của hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thành phố Hà Nội là hệ thống thông tin và dịch vụ khoa học công nghệ của Hà Nội chưa thực sự thúc đẩy việc trao đổi thông tin giữa bên cung cấp công nghệ và bên có nhu cầu đổi mới công nghệ. Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường nhận xét, nếu không có được thông tin khoa học và công nghệ đầy đủ thì các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ sẽ không thể tư vấn tốt cho doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống điều hành chuyên nghiệp

Ở một góc nhìn khác, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) Vũ Đức Lợi bày tỏ băn khoăn, liệu các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ có thực sự lấy nhu cầu của thị trường làm trung tâm, hay vẫn đang hoạt động theo cách cung cấp những công nghệ mà họ có sẵn? Các trung tâm này đã bao giờ khảo sát xem các doanh nghiệp trên địa bàn thực sự cần gì? Có thường xuyên tiếp xúc với các thương nhân, chủ sản xuất, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề và cả nhà hoạch định chính sách để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng nổi bật ở địa phương? Đó là những thông tin rất quan trọng cho một bên trung gian kết nối cung - cầu.

Để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đã đưa ra 6 gợi ý. Đó là: Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ; đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng và công cụ hỗ trợ chuyển giao, kết nối cung cầu công nghệ như: Sàn giao dịch công nghệ, các vườn ươm...; triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; khuyến khích nhập khẩu và giải mã công nghệ cao từ các nước phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhìn nhận, từng địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng những nền tảng hoặc sàn giao dịch công nghệ; có thể vấp phải những vấn đề pháp lý khi không tách bạch được giao dịch công nghệ với giao dịch thiết bị, máy móc hoặc giao dịch dự án, hoặc các vấn đề liên quan tới định giá. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, điều này chỉ nên được thực hiện ở cấp độ quốc gia, tức một sàn giao dịch công nghệ tập trung với một hệ thống điều hành chuyên nghiệp. Khi đó, các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ địa phương sẽ có được luồng tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ tốt hơn.

 

Nguồn: hanoimoi.vn