Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

tin tổng hợp

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố: Nghiên cứu công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic dạng bào tử nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà trên địa bàn Hà Nội
Ngày đăng 30/08/2024 | 16:25  | Lượt xem: 630

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố: Nghiên cứu công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic dạng bào tử nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà trên địa bàn Hà Nội

Thanh Mai

 

Ngày 28/8/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố để đánh giá quá trình thực hiện và kết quả của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic dạng bào tử nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà trên địa bàn Hà Nội”. Đề tài mang mã số 01C-05/07-2021-3, do ThS. Nguyễn Hữu Vinh làm Chủ nhiệm. Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại VMC Việt Nam là đơn vị chủ trì. Hội đồng nghiệm thu do TS. Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi làm Chủ tịch và TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội là Phó Chủ tịch.

Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm thực hiện, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày mục tiêu chung của đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic dạng bào tử nhằm tăng năng suất, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong chăn nuôi gà trên địa bàn Hà Nội.

Đề tài xác định các mục tiêu cụ thể như sau:

- Nghiên cứu được quy trình công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic dạng dung dịch và dạng bột sử dụng trong chăn nuôi gà bảo đảm an toàn, hiệu quả.

- Sản xuất được chế phẩm probiotic dạng bào tử, chịu nhiệt, chứa ít nhất 4 chủng Bacillus với mật độ tổng số tối thiểu 4 x109 CFU/gam (dạng bột) và 4 x 108 CFU/ml (dạng dung dịch).

- Xây dựng được 02 mô hình muôi gà sinh sản có sử dụng chế phẩm probistic với quy mô 500 con/mô hình, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 10% so với sản xuất đại trà.

- Xây dựng được 02 mô hình nuôi gà thịt thương phẩm có sử dụng chế phẩm probiotic với quy mô 1.000 con/mô hình, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 10% so với sản xuất đại trà.

Điểm mới của đề tài là công nghệ sấy ở nhiệt độ thấp và máy sấy có thể cho phép kiểm soát nhiệt độ sấy và tốc độ gió theo lập trình của nhà sản suất để tạo ra sản phẩm probiotic dạng bào tử chịu nhiệt với mật độ vi sinh cao. Sản phẩm probiotic được sản xuất với mật độ bào tử cao, ở 2 dạng bột và dung dịch, có thời gian sử dụng và bảo quản dài hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mặt khác, giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm thấp hơn so với các sản phẩm tương đương. Chủng giống và dây chuyền thiết bị phần lớn được cung cấp và sản xuất trong nước. Việc nghiên cứu sản xuất các chủng vi sinh cũng như vận hành dây chuyền thiết bị được vận hành hoàn toàn bằng kỹ thuật viên trong nước với chi phí sản xuất thấp giúp làm giảm giá thành sản xuất và dễ dàng nâng cấp tùy biến để đáp ứng các yêu cầu trong chăn nuôi gia cầm theo từng khu vực.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra giải pháp làm chủ công nghệ sản xuất probiotic sinh bào tử ứng dụng trong ngành chăn nuôi ở nước ta. Việc làm chủ được công nghệ sản xuất các chủng probiotic nói chung và việc làm chủ được công nghệ sản xuất các chủng probiotic sinh bào tử nói riêng có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Những sản phẩm được sản xuất nội địa giúp giảm giá thành chi phí trong chăn nuôi gia cầm.

Việc ứng dụng chế phẩm probiotic cho gà sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, đồng thời giảm thiểu sử dụng kháng sinh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thịt, trứng gia cầm. Từ đó sẽ cung cấp các sản phẩm thịt trứng an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

Những chế phẩm có chứa probiotic sinh bào tử góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường thông qua cơ chế tăng hấp thụ thức ăn, hạn chế thức ăn bị đào thải qua phân, hạn chế hệ vi sinh vật có hại trong môi trường bên ngoài chuồng nuôi.

Đề tài cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hiểu biết về lĩnh vực sản xuất probiotic, đặc biệt là góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước làm chủ quy trình công nghệ sản xuất probiotic sinh bào tử có chất lượng tốt.

Các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao kết quả của đề tài và đề nghị cho triển khai thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm để nhân rộng kết quả nghiên cứu. Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố nhất trí nghiệm thu đề tài với đánh giá đạt loại Khá.