Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

tin tổng hợp

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố: “Các giải pháp quản lý hoạt động các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hà Nội”
Ngày đăng 07/01/2025 | 12:12  | Lượt xem: 131

Ngày 26/12/2024, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố để đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu khoa học “Các giải pháp quản lý hoạt động các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hà Nội”, mã số CT06/07-2022-3 do TS Ngô Thanh Huệ – Viện Tâm lý Việt - Pháp làm Chủ nhiệm.

Đỗ Minh

Ngày 26/12/2024, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố để đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu khoa học “Các giải pháp quản lý hoạt động các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hà Nội”, mã số CT06/07-2022-3 do TS Ngô Thanh Huệ – Viện Tâm lý Việt - Pháp làm Chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố do PGS.TS. Vũ Ngọc Hà – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm Chủ tịch; ThS. Nguyễn Tố Quyên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

 Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa và hiện đại hóa, Hà Nội đang đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần. Sự gia tăng đột biến về số lượng các cơ sở trị liệu tâm lý trong những năm gần đây phản ánh nhu cầu ngày càng cao của người dân về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề cần được quan tâm và giải quyết một cách khẩn cấp.

Trong môi trường đô thị năng động của Thủ đô, áp lực công việc và cuộc sống ngày càng gia tăng đã dẫn đến sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý càng trở nên cấp thiết hơn. Tuy nhiên, sự thiếu vắng khung pháp lý hoàn chỉnh và các tiêu chuẩn nghề nghiệp rõ ràng đã tạo ra khoảng trống cho những hoạt động thiếu chuyên nghiệp và thậm chí là những hành vi lừa đảo, trục lợi từ nỗi đau tinh thần của người bệnh.

Hơn nữa, với vị thế là Thủ đô và trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, Hà Nội cần phải đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn quản lý ngành trị liệu tâm lý tương đương với khu vực và quốc tế. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cho người dân trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thành phố. Việc xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và trao đổi chuyên môn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trị liệu tâm lý tại Việt Nam.

Để giải quyết những thách thức này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp, đến việc thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, và các cơ sở cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh và bền vững cho ngành. Nhìn chung, việc tăng cường quản lý các cơ sở trị liệu tâm lý tại Hà Nội không chỉ xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân, mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trị liệu tâm lý, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc này đòi đầu hỏi sự nỗ lực và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, cũng như sự đầu tư thích đáng về nguồn lực và thời gian để xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả và chuyên nghiệp.

Từ những lý do trên, đề tài “Các giải pháp quản lý hoạt động các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hà Nội” được thực hiện nhằm mục tiêu:

- Xây dựng bộ tiêu chí hành nghề của nhà trị liệu tâm lý và điều kiện cung cấp dịch vụ tại các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hà Nội.

- Đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu thực trạng thực hành nghề trị liệu tâm lý của các cá nhân và hoạt động cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý của các cơ sở tại Thành phố Hà Nội. Cùng với đó, nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng bộ tiêu chí hành nghề trị liệu tâm lý cho cá nhân và bộ tiêu chí hoạt động cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý cho cơ sở.

Đề tài nghiên cứu các tiêu chí về hành nghề và hoạt động cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý và đề xuất các giải pháp cho các cơ quan quản lý, không bao gồm việc ban hành của cơ quan ban hành liên quan.

Đối tượng tham gia nghiên cứu là các cá nhân thực hành công việc trị liệu tâm lý và các cơ sở cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý tại Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện tại ước tính 20 cơ sở tư nhân (có giấy phép hoặc hoạt động tự phát) cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Để tiếp cận, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp liên quan đến hoạt động hành nghề và cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý ở Hà Nội hiện nay cần cách thức tiếp cận liên ngành giữa Tâm lý học và Khoa học quản lý.

Ngành Tâm lý học sẽ xem xét vấn đề hành nghề trị liệu tâm lý và tổ chức cơ sở hoạt động thông qua các yêu cầu nghề nghiệp, các lý thuyết tâm lý giải thích về vai trò của nhà tâm lý trị liệu, vận dụng những kiến thức tâm lý học để nhìn nhận mối quan hệ giữa thân chủ và nhà tâm lý, thân chủ và hình thức trị liệu để đánh giá hoạt động tri liệu hiệu quả.

Ngành Khoa học quản lý xem xét vấn đề hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý của khoa học quản lý, xem xét, đánh giá từ góc độ thể chế, vận dụng các qui định chính sách để quản lý vấn đề hoạt động của các cơ sở này trong quản lý dịch vụ sức khỏe tâm thần của xã hội.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ rất hữu ích đối với các cơ quan quản lý để xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách quản lý vấn đề cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý cho người dân. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp các nhà hoạch đỉnh chính sách nắm rõ thực trạng diễn biến của chất lượng hành nghề trị liệu tâm lý của các cá nhân cũng như hoạt động cung cấp dịch vụ của cơ sở, phát hiện các bất cập trong triển khai, đánh giá hoạt động quản lý các dịch vụ này trong bối cảnh làn sóng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nảy sinh trong đại dịch COVID-19 như hiện nay. Đánh giá thực trạng hành nghề của cá nhân nhà trị liệu và hiện trạng cung cấp dịch vụ của cơ sở trị liệu tâm lý cũng góp phần rà soát lại các khoảng trống trong công tác quản lý của các ban ngành liên quan hiện nay. Đặc biệt, các kiến nghị về giải pháp của đề tài và các bộ tiêu chí sẽ là cơ sở giúp các ơ quan chức năng hoạch định chính sách khắc phục các thiếu sót và nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như chất lượng dịch vụ trị liệu tâm lý tại Việt Nam hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của đề tài mở ra hướng nghiên cứu về hoạt động trị liệu tâm lý trong quản lý hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh đầy phức tạp về xã hội cùng với sự bùng nổ của cách mạng thông tin với các tác động gây rối, dẫn đến những rối loạn tâm lý, sang chấn lâu dài. Các kết quả thực nghiệm bộ tiêu chí sẽ là cơ sở dữ liệu để thực hiện các nghiên cứu so sánh với các quốc gia trong và ngoài khu vực, xác định các giải pháp, định hướng giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện trong tương lai.

Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố thống nhất nghiệm thu đề tài đạt loại Khá.