Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

tin tổng hợp

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng khu ở phục vụ các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội”
Ngày đăng 08/01/2025 | 14:44  | Lượt xem: 84

Ngày 27/12/2024, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố để đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng khu ở phục vụ các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội”, mã số CT05/03-2022-2 do ThS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội làm Chủ nhiệm.

Đỗ Minh

Ngày 27/12/2024, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố để đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng khu ở phục vụ các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội”, mã số CT05/03-2022-2 do ThS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội làm Chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố do PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch; ThS. Nguyễn Khắc Sự - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Theo Báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Hà Nội hiện có 09 khu KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao (KCNC), thu hút 645 dự án đầu tư (DA), trong đó có 336 DA FDI, vốn đăng ký 5,4 tỷ USD và 309 DA đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 14.500 tỷ VNĐ. Theo Ban Quản lý các KCN&CX, đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp trong các KCN đã tạo việc làm cho 140.897 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Việc phát triển lấp đầy các KCN&CX trên địa bản Thành phố kéo theo nhu cầu chỗ ăn, ở, sinh hoạt của người lao động và các nhu cầu thiết yếu khác, như các dịch vụ y tế, văn hóa, thương mại, đặc biệt là giải quyết vấn đề học tập của con em người lao động của các KCN&CX. Ngoài ra, cải thiện môi trường sống, hạ tầng xã hội cho người lao động cũng đang là một vấn đề cần được quan tâm một cách đúng mức.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, toàn Thành phố có 3 vùng công nghiệp chính: vùng phía Bắc gồm có Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm (nay là Bắc Từ Liêm); vùng phía Nam gồm có Thường Tín, Phú Xuyên; và vùng phía Tây gồm có Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn.

Tuy nhiên, quy hoạch chỉ đề cập đến vị trí, quy mô, diện tích các KCN, KCX, chưa đề cập sâu đến các vấn đề hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng xã hội như đã đề cập ở trên. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở TP HN giai đoạn 2021-2025, trong đó có phát triển nhà ở công nhân, tuy nhiên hầu hết các dự án chưa xác định được thời điểm hoàn thành (8/9 dự án), điều đó cho thấy cần thiết phải có giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn để việc đầu tư xây dựng các khu ở phục vụ KCN&CX thu hút được nhà đầu tư.

Nhìn chung, song song với việc phát triển lấp đầy các KCN&CX thì nhu cầu để hình thành khu ở đồng bộ (trước hết là chỗ ăn, ở, sinh hoạt và học tập của người lao động và con em) phục vụ KCN&CX là hết sức cần thiết và cấp bách. Điều này không chỉ giúp thuận tiện cho việc ổn định lao động sản xuất mà còn giúp Thành phố dễ dàng quản lý lượng dân số cơ học. Vì vậy, việc nghiên cứu tổng thể các địa điểm xây dựng khu ở cho KCN&CX để xác định quỹ đất dành cho loại hình này một cách tổng thể, đồng bộ, hợp lý trên địa bàn Thành phố là mục tiêu quan trọng giúp định hướng quy hoạch về lâu dài, đảm bảo phát triển cho tương lai.

Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đồng thời với tập trung phát triển đồng bộ khu ở cho các KCN&CX cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi trong việc thu hút đầu tư vào các KCN&CX trên địa bàn Thành phố.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng khu ở phục vụ các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội” xác định mục tiêu nghiên cứu là: Đề xuất được giải pháp xây dựng khu ở phục vụ các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề tài xác định phạm vi cho đối tượng nghiên cứu gồm: Lý thuyết và thực tiễn về phát triển các khu ở phục vụ KCN&CX; Thực trạng và mô hình phát triển các khu ở phục vụ KCN&CX; Các giải pháp chính sách để thu hút đầu tư xây dựng khu ở cho các KCN&CX tại Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu giải pháp bố trí khu ở cho các KCN&CX hiện hữu và dự kiến theo quy hoạch (27 khu) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và triệt để. Đề tài sẽ nghiên cứu, đánh giá thực trạng xây dựng khu ở phục vụ KCN&CX đến năm 2021 và đề xuất các giải pháp cho vấn đề nghiên cứu đến năm 2030.

Với mục tiêu nghiên cứu xác định ở trên, nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu tổng quan một cách hệ thống các nghiên cứu có liên quan đê xây dựng khung lý thuyết về phát triển khu ở phục vụ KCN&CX; tổng quan hệ thống cơ chế chính sách; đánh giá thực trạng điều chỉnh hệ thống cơ chế chính sách. Chủ nhiệm đề tài đã điển hình hóa các mô hình phát triển khu ở cho KCN&CX đã thành công trong nước để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc phát triển các khu ở phục vụ KCN&CX trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Đồng thời, phân tích nhu cầu và khả năng tài chính của người lao động KCN&CX cũng như các yếu tố ảnh hưởng, yêu cầu, điều kiện của bối cảnh cụ thể trên địa bàn Hà Nội nhằm đưa ra những đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển các khu ở phục vụ KCN&CX.

Để giải quyết vấn đề hình thành các khu ở phục vụ KCN&CX, các nhà khoa học đã nghiên cứu hệ thống các chủ thể và tác nhân tham gia, đảm bảo mối quan hệ giữa các yếu tố tạo nên điều kiện hình thành và phát triển các khu ở phục vụ KCN&CX tại Hà Nội. Nghiên cứu cũng tiếp cận hệ thống từ nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong KCN&CX đến vấn đề an sinh của người lao động và gia đình và các vấn đề xã hội khác có liên quan. Nghiên cứu chú trọng mối quan hệ giữa nơi ở và nơi làm việc theo tính chất của loại hình doanh nghiệp công nghiệp trong KCN&CX; hình thức tổ chức nhà ở cho công nhân, đối tượng quản lý các khu nhà ở công nhân...

Cúc với đó, nhóm đề tài nghiên cứu các giải pháp tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, quy hoạch, công nghệ xây dựng… thúc đẩy hình thành các khu ở phục vụ KCN&CX gắn với sự phát triển chung của đô thị, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực liên quan. Nghiên cứu cũng tiếp cận vấn đề theo quan điểm liên kết theo khu vực, mỗi khu vực phát triển KCN&CX, tùy điều kiện cụ thể có thể kết hợp để tổ chức khu ở sử dụng chung để tiết kiệm quỹ đất hoặc xây dựng các mô hình kết hợp chung với đô thị để tận dụng lợi thế về hạ tầng trong quá trình phát triển

Kết quả để tài sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức khu ở cho KCN&CX để áp dụng trong quy hoạch đô thị và triển khai các quy hoạch chi tiết khu ở phục vụ KCN&CX trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề tài góp phần tạo điều kiện an sinh cho người lao động KCN&CX, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn lực xã hội và đóng góp cho công tác quản lý, xây dựng các chính sách liên quan đến người lao động KCN&CX trên địa bàn.

Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố thống nhất nghiệm thu đề tài đạt loại Khá.