Thủ tục hành chính

Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

tin tổng hợp

Hội nghị Gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn Thủ đô nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5
Ngày đăng 15/05/2024 | 13:07  | Lượt xem: 74

Ngày 14/5/2024, tại Trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Đỗ Minh

 

Ngày 14/5/2024, tại Trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Đại biểu Trung ương dự Hội nghị có: đồng chí Bùi Trường Giang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Phan Xuân Dũng - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đồng chí Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Nguyên phó Bí thư thường trực Thành ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có sự hiện diện của đồng chí Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Lê Hồng Sơn - Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Phạm Quí Tiên - Phó Chủ tịch HĐND thành phố …

Cùng dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; các sở, ban, ngành chuyên môn của Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã.

Hội nghị còn có sự tham gia của 160 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương; Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội và các hội trực thuộc; 09 Ban Chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ cấp Thành phố; đại diện một số Trường Đại học, Học viện, Viện Nghiên cứu trên địa bàn Thành phố và một số chuyên gia, nhà khoa học (chuyên gia tham gia dự án Luật Thủ  đô (sửa đổi))…

Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 là dịp để lãnh đạo Thành phố tri ân, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo Thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung. trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

 

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước "phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, với mục tiêu xuyên suốt là: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc; lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã và đang triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ thuộc 09 Chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%.

Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Thành phố Hà Nội tăng dần hằng năm (năm 2023 là 62,86%). Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn ở vị trí dẫn đầu toàn quốc. Hai năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước; số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Trên địa bàn Thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng,… mang lại hiệu quả kinh tế cao và khẳng định được vai trò tiên phong ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Để đạt được những kết quả nêu trên, không thể không nhắc tới vai trò và những đóng góp của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học sinh sống, làm việc tại Thủ đô, với hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Trong đó, nhiều nhà khoa học đầu ngành có uy tín ở trong và ngoài nước về các ngành, chuyên môn khác nhau thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, công nghệ, kinh tế, y tế…Đây là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố, nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô xứng tầm với khu vực và thế giới

Đặc biệt, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố Hà Nội đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, tư vấn, phản biện hết sức trí tuệ, đầy tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU với các nhiệm vụ quan trọng đặt ra là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên, thành phố Hà Nội luôn xác định cần có sự ủng hộ, tham gia, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân, trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, trong đó, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Với những kết quả đạt được và những đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô; thay mặt lãnh đạo Thành phố, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và trân trọng cảm ơn những đóng góp, cống hiến thầm lặng của các thế hệ chuyên gia, nhà khoa học của Thủ đô và cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn và trân trọng đề nghị trong thời gian tới, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và trách nhiệm với Thủ đô; nghiên cứu đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp, sáng tạo kỹ thuật và công nghệ đột phá, góp phần đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định, với tinh thần cầu thị và lắng nghe, Lãnh đạo Thành phố mong muốn được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô Hà Nội – Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại; có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tặng những bó hoa tươi thắm chúc mừng Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5 tới đại diện các nhà khoa học. Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đồng chí Lê Xuân Rao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đại diện cho giới trí thức khoa học và công nghệ nhận hoa chúc mừng, biểu tượng cho sự tôn vinh, tri ân đến đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn Thủ đô của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ sự vui mừng tham dự Hội nghị gặp mặt tri ân, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học, được cùng các đồng chí Lãnh đạo Thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế, đề xuất, giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST; trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn Thành phố.

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn vào ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...", đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng, nhà nước ta luôn xác định phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng nhất để phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo, KH&CN là quốc sách hàng đầu, quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học; tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát triển vững mạnh, toàn diện, đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/12/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển KH&CN. Thủ đô có tiềm lực, hạ tầng KH&CN mạnh nhất (chiếm hơn 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ của cả nước, 105 tổ chức KH&CN công lập); nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST của Hà Nội cũng cao nhất cả nước... Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học thủ đô ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Bằng hoạt động của mình, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất-kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển KT-XH.

Tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phát triển Thủ đô là một việc rất quan trọng, và rất cần thiết cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về trí thức, KH&CN. Đồng thời phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, tạo môi trường thuận lợi để phát huy tốt nhất vai trò, sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phát triển KT-XH.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN trân trọng bày tỏ lời cảm ơn và tri ân tới thế hệ các chuyên gia, các nhà khoa học đã có những công lao, đóng góp tích cực cho hoạt động KH,CN&ĐMST Thủ đô nói riêng và phát triển ngành KH&CN nói chung. Sự chung sức đồng lòng của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác KH&CN chắc chắn sẽ tạo lập nên những bước tiến mới, thành công mới và vị thế mới, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cho lãnh đạo thành phố Hà Nội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Thành phố đối với công tác khoa học và công nghệ, đặc biệt là Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thay mặt đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Thủ đô, TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội đề nghị thành phố giao Liên hiệp Hội tập hợp đội ngũ trí thức cả trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, cơ chế chính sách, các nghị quyết của Thủ đô và đề xuất các ý kiến, giải pháp xử lý những lĩnh vực nóng, cấp thiết.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mong lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp tục tin tưởng hơn nữa, trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là cơ chế, chính sách để họ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám hành động mạnh mẽ hơn nữa. Điều này sẽ góp phần để đất nước, Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và vươn tới tầm cao mới.

TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ mong muốn lãnh đạo Hà Nội đặt hàng các nhà khoa học một số nhiệm vụ trọng điểm. Một khi được lãnh đạo Thành phố đặt hàng, đặt rõ mục tiêu và sản phẩm của những nhiệm vụ KH&CN, đồng thời bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm thì các nhà khoa học sẽ có sản phẩm đạt được chất lượng cao hơn, phục vụ cho sự phát triển của Thành phố. Vấn đề thứ hai mà TS Nguyễn Quân đề xuất Hà Nội có thể giúp cho ngành KH&CN, đó là làm thí điểm cơ chế giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học. Việc Thủ đô đi tiên phong làm thí điểm cho một số cơ chế chính sách mới, mang tính đặc thù của KH&CN thì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học Hà Nội và cả nước, cũng là tiền đề thuận lợi cho Luật KHCN có thể đi vào cuộc sống

GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao việc lãnh đạo Hà Nội ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, thu hút, phát huy trí tuệ và tâm huyết các chuyên gia tham gia vào giải quyết các công việc quan trọng của Hà Nội. Qua đó thể hiện thái độ trân trọng, cầu thị, tiếp thu ý kiến chuyên gia của lãnh đạo thành phố để hoàn thiện và nâng cao các việc quan trọng của Thủ đô. Đồng chí mong muốn thời gian tới Hà Nội cần đi đầu, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút thêm các tài năng, phát huy tốt hơn nữa trí tuệ của các nhà khoa học trong quá trình phát triển. Lãnh đạo thành phố cần thường xuyên tiếp xúc, tham vấn, lắng nghe, trao đổi ý kiến với các chuyên gia, nhà khoa học hơn nữa, đặc biệt là về các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp của Thành phố, để tăng hàm lượng chất xám phục vụ Thủ đô. Khi đó chính là chúng ta đang khai thác được "kho vàng ròng" mà chúng ta sở hữu.…

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu ra và đề xuất với lãnh đạo thành phố Hà Nội những vấn đề cần tập trung xử lý hiện nay của Thủ đô như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập lụt khi mưa lớn, phát triển nông nghiệp, khai thác tiềm lực văn hóa, tăng cường ý thức pháp luật... Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều nêu bật lên được thực trạng của các vấn đề, những bức xúc, khó khăn, vướng mắc và phương án khắc phục bằng các giải pháp công nghệ.. Ý kiến chuyên gia nhấn mạnh các giải pháp như: có cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô để thu hút nhân tài và nguồn lực; đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ cao; nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nguồn lực và phát triển; huy động nguồn lực từ người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân Hà Nội.

Cùng với đó, Thành phố cần chọn lọc, nghiên cứu, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu KH&CN để đưa vào cuộc sống; xây dựng các cơ chế ưu đãi, cơ chế riêng phù hợp cho việc đầu tư tổ chức, khai thác, tận dụng lực lượng cán bộ khoa học, trí thức đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô; tôn vinh, khích lệ những đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cho Thủ đô; động viên, thu hút các thế hệ trẻ tài năng luôn hướng về Thủ đô, đến với Thủ đô, ở lại làm việc lâu dài cho Thủ đô để xây dựng Thủ đô phát triển…

Các nhà khoa học đều khẳng định tâm huyết và mong muốn được cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô. Tất cả những vấn đề hiện tại của Thủ đô mặc dù đã tồn đọng lâu, tuy rất khó nhưng nếu quyết tâm và áp dụng KH&CN thì chắc chắn sẽ giải quyết được. Nếu được Thành phố tin tưởng, giao nhiệm vụ, thì đội ngũ cán bộ khoa học sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm của mình

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia. Đồng chí khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để báo cáo lại Thường trực, Thường vụ để có các hướng triển khai về cơ chế phối hợp, thường xuyên lắng nghe lẫn nhau. Từ đó có cách thức sử dụng tối đa nguồn lực, kinh nghiệm của trí thức trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị đô thị; hóa giải các vướng mắc, nút thắt của Hà Nội thông qua các đề tài nghiên cứu của nhà khoa học trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, động viên, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học không ngừng lớn mạnh; tiếp tục tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, tham mưu cho Thành phố có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định Thành phố lắng nghe rất kĩ và luôn luôn trân trọng các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra những chính sách thấu đáo hơn. Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng với tình yêu Hà Nội sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.