Thủ tục hành chính

Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

an toàn bức xạ và hạt nhân

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân  năm 2023 của Thành phố Hà Nội
Ngày đăng 16/12/2023 | 17:55  | Lượt xem: 91

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân  năm 2023 của Thành phố Hà Nội

Đỗ Minh

 

Thực hiện  Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 04/7/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, ngày 16/12/2023 Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân  năm 2023 của Thành phố Hà Nội.

Cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ; nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường và con người do sự cố bức xạ và hạt nhân gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Cuộc diễn tập có sự tham gia của các lực lượng chuyên môn từ nhiều đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Sở Y tế Hà Nội; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Công an thành phố Hà Nội; Công an huyện Mê Linh; Trung tâm Y tế huyện Mê Linh; Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội - Cục Quân y; Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh.

Các tổ chức, cá nhân trong thành phần tham gia ứng phó phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với nhau theo sự chỉ đạo; triển khai nhiệm vụ bám sát theo kịch bản đã được phê duyệt.

 

Phát biểu khai mạc Diễn tập, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: Sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế mang lại nhiều tích cực, tuy nhiên cũng không ít thách thức. Một trong số đó là việc kiểm soát nguồn phóng xạ cũng như các loại vật liệu phóng xạ trong ngành sản xuất và tái chế kim loại. Trên thế giới, đã có nhiều sự đáng tiếc xảy ra liên quan đến vấn đề này.

Hiện nay, sự cố mất trộm vật thể chứa nguồn phóng xạ để bán phế liệu là có thể xảy ra. Sự cố này có nguy cơ xảy ra theo nhiều kịch bản, tình huống và mức độ khác nhau với phạm vi ảnh hưởng có thể nhỏ nhưng cũng có thể rất nghiêm trọng. Các sự cố này nếu không được kịp thời phát hiện và xử lý, có thể gây hậu quả ô nhiễm phóng xạ đối với con người và môi trường trong một thời gian dài.

Vì vậy, năm 2023, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội với tình huống giả định “Ứng phó đối với sự cố nguồn phóng xạ bị thất lạc” tại Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Mục đích nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, tăng cường năng lực tổ chức hiệp đồng trong công tác ứng phó sự xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về cuộc diễn tập, tình huống giả định cụ thể là: Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh (Chi nhánh) sử dụng một số nguồn phóng xạ Cs-137 hoạt độ khoảng 40 mCi trong hoạt động sản xuất của Công ty.

Ngày X/Y/2023, một dây chuyền của Chi nhánh có nguồn phóng xạ bị hỏng và cần phải bảo dưỡng sửa chữa. Nguồn phóng xạ Cs-137 sử dụng trên dây chuyền này được đưa vào kho lưu giữ. Các nguồn phóng xạ còn lại vẫn đang sử dụng trên dây chuyền sản xuất. Vào lúc 8h00 ngày X/Y/2023, phụ trách kho nguồn của Chi nhánh trong lúc đi kiểm tra phát hiện khu vực kho để nguồn phóng xạ bị mở khóa, cửa bị mở và rà soát trong kho thì không thấy nguồn phóng xạ.

Quá trình tìm kiếm và điều tra cho thấy nguồn phóng xạ đã bị nhân viên lấy trộm và bán cho một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn. Tại cơ sở thu mua phế liệu, nguồn phóng xạ đã bị đập vỡ gây nhiễm bẩn phóng xạ môi trường cơ sở thu mua phế liệu và người dân sống tại cơ sở.

Hậu quả: Nguồn phóng xạ bị rơi vãi tại hiện trường. Lực lượng chức năng phải tổ chức tẩy xạ cơ sở, tẩy xạ người, đánh giá tình trạng sức khỏe người dân sống tại cơ sở và xung quanh cơ sở thu mua phế liệu. 10 người, bao gồm người dân xung quanh và người làm việc tại cơ sở thu gom phế liệu bị hoảng loạn, 4 người bị nhiễm bẩn phóng xạ, trong đó 3 người ở mức nhẹ, chỉ cần tắm rửa, thay quần áo, 01 người bị phơi nhiễm ở mức độ nặng hơn phải đưa đến cơ sở y tế để tẩy xạ và theo dõi điều trị.

 Hoạt động ứng phó sự cố nguồn phóng xạ bị thất lạc trong Kịch bản tổ chức diễn tập được xây dựng theo 06 bước. Thứ tự các bước trong ứng phó sự cố như sau:

Bước 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu

Thông tin ban đầu về sự cố được Lãnh đạo cơ sở thông báo đến các cơ quan chức năng khác theo tình huống sự cố: Sở Khoa học và Công nghệ, Công an địa phương.

Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan đầu mối thu thập và xử lý thông tin sự cố bức xạ và hạt nhân của Thành phố. Theo thông tin sự cố thu thập được đã đánh giá mức báo động và báo cáo BCH khởi động kế hoạch ứng phó sự cố cấp Thành phố.

Bước 2: Khởi động Kế hoạch ứng phó sự cố và thông báo cho các đơn vị tham gia

Trưởng BCH là người khởi động kế hoạch ứng phó sự cố, công bố mức báo động.

Sở Khoa học và Công nghệ thông báo tới Bộ Tư Lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội, Sở Y tế, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố, Cục Quân Y phối hợp ứng phó sự cố.

Bước 3: Tổ chức triển khai thực hiện

Các đơn vị được điều động sẽ khởi động ứng phó sự cố theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình, phù hợp với quy trình và kịch bản xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các đơn vị tham gia ứng phó sự cố phối hợp chặt chẽ với nhau, kiểm soát tốt diễn biến sự cố, đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của sự cố để có các bước triển khai ứng phó tiếp theo thích hợp và kịp thời.

Bước 4: Tiến hành các biện pháp ứng phó tại hiện trường

Trưởng BCH (hoặc chỉ huy tại hiện trường) tham vấn ý kiến của trưởng các đơn vị tham gia ứng phó tại hiện trường, đưa ra quyết định tiến hành các biện pháp can thiệp và khắc phục sự cố phù hợp: bảo vệ nhân viên ứng phó và dân chúng; phân loại và cấp cứu, điều trị cho nạn nhân của sự cố; sơ tán dân chúng; phân loại người nhiễm bẩn phóng xạ; tẩy xạ cho nạn nhân, nhân viên tham gia ứng phó, tiến hành tẩy xạ tại chỗ toàn bộ khu vực xảy ra sự cố và các phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố; thu gom chất thải phóng xạ phát sinh trong quá trình xử lý sự cố.

Bước 5: Kết thúc hoạt động ứng phó tại hiện trường, thông báo mức sự cố và phục hồi môi trường

Trưởng BCH căn cứ vào báo cáo của trưởng các tổ chức tham gia ứng phó sẽ ra quyết định chấm dứt các hành động bảo vệ, can thiệp, kết thúc ứng phó. Ban chỉ huy đánh giá mức sự cố theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Năng lượng nguyên tử và thông báo tới công chúng. Ban chỉ huy tổ chức đánh giá liều chiếu xạ nghề nghiệp cho các nhân viên tham gia ứng phó tại hiện trường, liều chiếu xạ công chúng của các nạn nhân và tiến hành các hoạt động phục hồi môi trường khi kết thúc quá trình ứng phó sự cố.

Bước 6: Đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo về sự cố

Kết thúc hoạt động ứng phó sự cố, Ban chỉ huy chủ trì ngay việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình ứng phó và phân tích, đánh giá hậu quả sự cố gây ra. Ban chỉ huy chủ trì việc thống kê, lập báo cáo về sự cố cho các cơ quan chức năng của Thành phố và trung ương.

 

 

Cuộc Diễn tập gồm 2 phần:  Diễn tập vận  hành cơ chế và Diễn tập thực binh.

Diễn tập vận hành cơ chế chỉ huy, điều hành theo hình thức trực quan bằng tư liệu và phim ảnh mô phỏng (được xây dựng từ các tư liệu). Các tư liệu và phim ảnh giới thiệu thể hiện được các nội dung sau: mô phỏng hình ảnh sự cố và diễn biến phát triển của sự cố; tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng; điều hành và xử lý của các lực lượng bên ngoài hiện trường.

 

Diễn tập thực binh bao gồm những nội dung chính như sau:

 

 

Tổ chức bảo đảm an ninh khu vực sự cố

 

 

Thiết lập trạm chỉ huy hiện trường

 

Đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ và thiết lập hàng rào an toàn khu vực

 

 

Tiến hành sơ cứu bước đầu cho các nạn nhân bị nhiễm xạ

 

 

Phân loại nạn nhân bị chiếu xạ, bị nhiễm bẩn phóng xạ;

 

 

Tẩy xạ cho nạn nhân sau đó chuyển về các cơ sở y tế thích hợp

 

 

Tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ

 

 

Thu hồi các mảnh vật chứa phóng xạ,

 

Thu gom chất thải phóng xạ

 

 

Tẩy xạ khu vực

 

Tẩy xạ người và phương tiện tham gia ứng phó sự cố

 

 

Thông báo kết thúc sự cố

 

Kết thúc Diễn tập, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận và khen thưởng các đơn vị tham gia Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và  hạt nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023.

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023, với tình huống giả định “Ứng phó đối với sự cố nguồn phóng xạ bị thất lạc” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Diễn tập đã diễn ra trong không khí, khẩn trương, chuyên nghiệp của các lực lượng tham gia Diễn tập, thể hiện kết quả của quá trình tập luyện, hợp luyện nghiêm túc và bài bản giữa các lực lượng.

Buổi diễn tập đã thể hiện được khả năng hiệp đồng ứng phó giữa các đơn vị tham gia và có giá trị thực tiễn cao, nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó trong thực tế khi xảy ra sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nội dung diễn tập đã được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, an toàn và được quản lý, kiểm soát, phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ cấp cơ sở đến cấp thành phố. Bám sát Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

Các tổ chức, cá nhân trong thành phần tham gia ứng phó phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với nhau theo sự chỉ đạo; triển khai nhiệm vụ của mình theo quy định trong kế hoạch; tiến hành kịp thời và có hiệu quả. Các tổ chức tham gia ứng phó đánh giá thông tin cần thiết để ban hành các quyết định huy động nguồn lực trong suốt quá trình xảy ra sự cố. Việc phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân tham gia diễn tập rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.

Từ cuộc diễn tập, các cơ quan chức năng đã rút ra được các bài học kinh nghiệm để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, cập nhật vào Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Thành phố cho phù hợp với thực tế.