Thủ tục hành chính

Kho tư liệu - thư viện ảnh

video

Video

Không tìm thấy video nào

THĂM DÒ Ý KIẾN

Lấy ý kiến bình chọn về nôi dung trên trang

phổ biến pháp luật

Tìm hiểu Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018
Ngày đăng 07/08/2019 | 09:56  | Lượt xem: 8

Kế thừa những quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 15/11/2018 gồm V chương, 28 điều, với những nội dung cơ bản sau đây:

1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Khái niệm bí mật nhà nước: Luật quy định bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mật có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm

Điều 5 của Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đáng chú ý như: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước; Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

4. Phạm vi bí mật nhà nước

Luật quy định phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc gồm: Thông tin về chính trị; Thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; Thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp; Thông tin về đối ngoại; Thông tin về kinh tế; Thông tin về tài nguyên và môi trường bao gồm tài nguyên nước, môi trường, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đất đai, biển, hải đảo, đo đạc và bản đồ;Thông tin về khoa học và công nghệ; Thông tin về giáo dục và đào tạo; Thông tin về văn hóa, thể thao; Lĩnh vực thông tin và truyền thông; Thông tin về y tế, dân số; Thông tin về lao động, xã hội; Thông tin về tổ chức, cán bộ; Thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Thông tin về kiểm toán nhà nước.

5. Phân loại và danh mục bí mật nhà nước

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm:Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Căn cứ vào quy định của luật, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước.Luật cũng quy định về người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước, theo đóngười lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định, (trừ trường hợp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an).Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Công an, người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.

6. Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước

Luật quy định cụ thể về Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam; có yếu tố nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu quy định.Người tham dự hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng bí mật nhà nước theo quy định của Luật này và yêu cầu của người chủ trì hội nghị, hội thảo, cuộc họp; không được cung cấp, chuyển giao cho bên thứ ba.

7. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước

Đây là quy định mới được bổ sung vào Luật, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là:30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật;20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật;10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.

8.Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.Chậm nhất 60 ngày trước ngày hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày gia hạn, cơ quan, tổ chức đã gia hạn phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

9. Giải mật

Luật quy định giải mật là xóa bỏ độ mật của bí mật nhà nước.Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp:Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định;Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;Không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải mật, cơ quan, tổ chức quyết định giải mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

10. Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước

Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước.Đồng thời Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an; Văn phòng Trung ương Đảng và ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng và đảng ủy trực thuộc trung ương; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; tỉnh ủy, thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban Cơ yếu Chính phủ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước có trách nhiệm: Ban hành nội quy; Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định của pháp luật, quy chế, nội quy; Chỉ đạo xử lý và kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý; Tổ chức thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi người được phân công quản lý bí mật nhà nước thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước.

Người tiếp cận bí mật nhà nước có trách nhiệm:Tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức về bảo vệ bí mật nhà nước;Thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước;Sử dụng bí mật nhà nước đúng mục đích;Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước.

Người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước có trách nhiệm:Thực hiện trách nhiệm theo quy định, đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp để bảo vệ bí mật nhà nước;báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục trong trường hợp phát hiện vi phạm; phải bàn giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã quản lý trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nướccó hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Riêng các quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.