tin hoạt động của sở
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân năm 2022 của Thành phố Hà Nội
Ngày đăng: 15:10 22/12/2022 | Lượt xem: 212
Đỗ Minh
Thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 29/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, ngày 20/12/2022 Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân năm 2022 của Thành phố Hà Nội.
Cuộc diễn tập nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm năng lực lãnh đạo, tổ chức hiệp đồng trong công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của các cơ quan quản lý, các cơ sở tiến hành công việc bức xạ. Qua diễn tập, sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy trình ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cuộc diễn tập có sự tham gia của các lực lượng chuyên môn từ nhiều đơn vị: Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố, Sở Y tế thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội…
Phát biểu khai mạc Diễn tập, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình ngày càng phổ biến và rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, mang lại những lợi ích to lớn cho loài người. Tại Việt Nam và Thủ đô Hà Nội chúng ta đã ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội: nghiên cứu khoa học, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh những lợi ích mang lại thì việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, môi trường và cộng đồng xã hội nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ và có những biện pháp phòng ngừa, ứng phó thích hợp.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố trên địa bàn Thủ đô.
Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân với tình huống giả định “Ứng phó sự cố cháy nổ kho chứa nguồn phóng xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội”. Đây được coi là tình huống có thể xảy ra trong thực tế và cũng là tình huống sự cố đã được nêu trong Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân của Thành phố Hà Nội.
Cuộc diễn tập với tình huống giả định như sau: Vào lúc 9:00 ngày 20 tháng 12 năm 2022, tại Kho lưu giữ nguồn phóng xạ (có chứa 2 nguồn Cs-137 hoạt độ 1 Ci) của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội xảy ra vụ nổ và bốc cháy không rõ nguyên nhân. Sự cố cháy nổ khu vực lưu giữ nguồn phóng xạ có diện tích (15 x 40) m2, ngọn lửa không cháy lan sang công trình khác, cột khói đen không đậm đặc, chiều cao cột khói khoảng 10-15 m từ mặt đất.
Sự cố cháy nổ làm hư hại cấu trúc kho và rơi vỡ các đồ vật trong kho. Hậu quả làm 1 người bị thương rất nặng bị kẹt trong kho (cần cấp cứu bệnh viện ngay khi có thể), 2 người bị thương (gẫy tay chân) không tự di chuyển được, 2 người bị thương nhẹ, 5 người không bị thương. Ngoài ra, sự cố cháy nổ gây nhiễm bẩn phóng xạ một số vị trí trong kho lưu giữ nguồn.
Kịch bản diễn tập tuân theo hoạt động điều hành, tổ chức ứng phó sự cố trong Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân thành phố Hà Nội đã được Bộ KH&CN phê duyệt theo Quyết định số 2240/QĐ-BKHCN ngày 04/8/2016, bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu
Thông tin ban đầu về sự cố được Lãnh đạo cơ sở thông báo đến các các cơ quan chức năng khác theo tình huống sự cố: Cứu hỏa 114, Cứu thương 115, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân.
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cơ quan đầu mối thu thập và xử lý thông tin sự cố bức xạ và hạt nhân của Thành phố. Theo thông tin sự cố thu thập được đã đánh giá mức báo động và báo cáo Ban chỉ huy khởi động kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.
Bước 2: Khởi động Kế hoạch ứng phó sự cố và thông báo cho các đơn vị tham gia
Trưởng Ban chỉ huy là người khởi động kế hoạch ứng phó sự cố, công bố mức báo động.
Sở Khoa học và Công nghệ thông báo Bộ Tư Lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Sở Y tế, Cục Quân Y phối hợp ứng phó sự cố.
Bước 3: Tổ chức triển khai thực hiện
Các đơn vị được điều động sẽ khởi động ứng phó sự cố theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình, phù hợp với quy trình và kịch bản xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị tham gia ứng phó sự cố phối hợp chặt chẽ với nhau, kiểm soát tốt diễn biến sự cố, đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của sự cố để có các bước triển khai ứng phó tiếp theo thích hợp và kịp thời.
Bước 4: Tiến hành các biện pháp ứng phó tại hiện trường
Trưởng Ban chỉ huy (hoặc chỉ huy tại hiện trường) tham vấn ý kiến của trưởng các đơn vị tham gia ứng phó tại hiện trường và đưa ra quyết định tiến hành các biện pháp can thiệp và khắc phục sự cố phù hợp như: bảo vệ nhân viên ứng phó và dân chúng; phân loại và cấp cứu, điều trị cho nạn nhân của sự cố; sơ tán dân chúng; phân loại người nhiễm bẩn phóng xạ; tẩy xạ cho nạn nhân, nhân viên tham gia ứng phó và tiến hành tẩy xạ tại chỗ toàn bộ khu vực xảy ra sự cố; thu gom chất thải phóng xạ phát sinh trong quá trình xử lý sự cố.
Bước 5: Kết thúc hoạt động ứng phó tại hiện trường, thông báo mức sự cố và phục hồi môi trường
Trưởng Ban chỉ huy căn cứ vào báo cáo của trưởng các tổ chức tham gia ứng phó sẽ ra quyết định chấm dứt các hành động bảo vệ, can thiệp, kết thúc ứng phó. Ban chỉ huy đánh giá mức sự cố theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Năng lượng nguyên tử và thông báo tới công chúng. Ban chỉ huy tổ chức đánh giá liều chiếu xạ nghề nghiệp cho các nhân viên tham gia diễn tập và tiến hành các hoạt động phục hồi môi trường khi kết thúc quá trình diễn tập ứng phó sự cố.
Bước 6: Đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo về sự cố
Sau khi kết thúc hoạt động ứng phó sự cố, Ban chỉ huy chủ trì ngay việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình diễn tập ứng phó và phân tích, đánh giá hậu quả sự cố gây ra. Ban chỉ huy chủ trì việc thống kê, lập báo cáo về sự cố cho các cơ quan chức năng của thành phố và nhà nước.
Cuộc Diễn tập gồm 2 phần: Diễn tập vận hành cơ chế và Diễn tập thực binh.
Diễn tập vận hành cơ chế chỉ huy, điều hành theo hình thức trực quan bằng tư liệu và phim ảnh mô phỏng (được xây dựng từ các tư liệu). Các tư liệu và phim ảnh giới thiệu thể hiện các nội dung sau: Mô phỏng hình ảnh sự cố; Tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng; Điều hành và xử lý của các lực lượng bên ngoài hiện trường; Diễn biến phát triển của sự cố ban đầu; Một số hoạt động của đơn vị tổ chức ứng phó sự cố; Quá trình vận động của các cơ quan, lực lượng đến hiện trường và các hoạt động khác có liên quan tới diễn tập...
Diễn tập thực binh bao gồm những nội dung chính:
Phát hiện sự cố cháy nổ kho lưu giữ nguồn
Chuyển người bị nạn ra khu vực an toàn
Thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở
Thông báo cơ quan chức năng; Thiết lập hàng rào an toàn và hàng rào an ninh khu vực; Tổ chức bảo đảm an ninh khu vực sự cố, hướng dẫn các phương tiện tránh khỏi khu vực nguy hiểm;
Tổ chức chữa cháy
Tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn
Phân loại nạn nhân bị chiếu xạ, nhiễm bẩn phóng xạ, bỏng; tiến hành sơ cứu bước đầu, tẩy xạ cho nạn nhân; chuyển thương về các cơ sở y tế thích hợp
Thu hồi các mảnh vật chứa phóng xạ
Tẩy xạ khu vực, thu gom chất thải phóng xạ
Thông báo kết thúc sự cố.
Quá trình diễn tập thực binh được thực hiện với lực lượng tham gia bao gồm nhân lực và phương tiện cần thiết của các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội - Bộ Quốc phòng, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố-Cục an toàn bức xạ và Hạt nhân và các lực lượng liên quan.
Ban Tổ chức đã trao chứng nhận và khen thưởng các đơn vị tham gia Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022.
Các tổ chức, cá nhân trong thành phần tham gia ứng phó phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với nhau theo sự chỉ đạo; triển khai nhiệm vụ của mình theo quy định trong kế hoạch; tiến hành kịp thời và có hiệu quả. Các tổ chức tham gia ứng phó đánh giá thông tin cần thiết để ban hành các quyết định huy động nguồn lực trong suốt quá trình xảy ra sự cố.
Buổi diễn tập diễn ra trong không khí khẩn trương, chuyên nghiệp của các lực lượng tham gia diễn tập, thể hiện kết quả của quá trình tập luyện, hợp luyện nghiêm túc và bài bản giữa các lực lượng. Các hành động diễn ra ăn khớp, nhịp nhàng, hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia Diễn tập.
Buổi diễn tập đã bám sát nội dung và đạt được mục đích, yêu cầu của Kế hoạch diễn tập, thể hiện được khả năng hiệp đồng ứng phó giữa các đơn vị tham gia và có giá trị thực tiễn cao, nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó trong thực tế khi xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kịch bản cuộc Diễn tập được xây dựng công phu, cụ thể, phân công nhiệm vụ, vai trò rõ ràng tới từng chi tiết, từ thời gian, địa điểm, các sự kiện chính cho đến phương thức triển khai, phân vai và hành động ứng phó cụ thể.
Thông qua cuộc Diễn tập , Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân của Thành phố Hà Nội sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình, kịch bản ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Buổi diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân năm 2022 đã thành công tốt đẹp. Thông qua diễn tập, các lực lượng tham gia được tập luyện, thao diễn, xử lý các tình huống sát với thực tế. Từ đó nâng cao được trình độ thực hành ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, bảo đảm không bị bất ngờ, xử lý nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả mọi tình huống sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có khả năng xảy ra trên địa bàn Thành phố. Góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.
các tin khác
- Kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU với Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng
- Hội thảo “Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”
- Hội thảo “Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước”
- Triển lãm Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022 thành công tốt đẹp
- KHAI MẠC TRIỂN LÃM CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO HÀ NỘI NĂM 2022
- Hội nghị toàn quốc về thông tin khoa học và công nghệ
- Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng Thành phố Hà Nội lần thứ 18 năm 2022
- Hà Nội: Trao giải cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng
- Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ dự báo và kiểm soát chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố: Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030
Thông báo
- Thông báo về việc tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 để tuyển chọn trong kỳ kế hoạch năm 2023.
- Thông báo Về kết quả thi trình bày đề án kỳ thi tuyển chức danh Trưởng phòng An toàn bức xạ và hạt nhân
- Thông báo giải thể Trung tâm Hỗ trợ khoa học, công nghệ doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Thông báo Quyết định Về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023
- Thông báo Về việc tổ chức thi trình bày Đề án thi tuyển chức danh Trưởng phòng An toàn bức xạ và hạt nhân
Hướng dẫn
- Hướng dẫn đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố 2023
- Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hướng dẫn các đơn vị đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN năm 2021
- Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015
- Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội năm 2020
- Mẫu Phiếu điều tra khảo sát xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố